Tác giả:
LÊ VĂN PHÚC
Virginia
|
|
|
Trong cuộc đời, ai cũng có những kỷ niệm vui buồn đáng nhớ.
Với tôi, nhớ đến nhiều nhất trong đời là thuở “làm học trò nhưng không sách cầm tay” và cái thú vị tình thâm là nhẩy rào, trốn học đi chơi.
Giai đoạn “trốn học” của tôi tập trung trong thời kỳ tiểu học.
Trốn học khi có còi báo động, học sinh chạy ra hầm trú ẩn. Tôi không vào hầm mà chui rào chạy ra ngoài, vào làng lang thang. Có khi lên nhà thương la cà trong khu đàn bà đẻ, nghe các bà bụng phưỡn ra
mà còn lôi chồng ra chửi rủa thậm từ. Có khi ra bờ sông, cởi truồng bơi qua sông cùng mấy thằng trốn học ném bùn tập trận, vặt trộm chuối nhà người ta. Có lần trốn học đi đánh đinh đánh đáo, la cà cho hết giờ rồi về nhà luôn…
Có lần trốn học, gặp đám ma Tây, tôi theo liền.
Ở cái tỉnh nhỏ Hải Dương, họa hoằn mới có ông Tây “một ra đi là không trở về”. Đám ma Tây lại vui hơn đám ma ta hoặc đám ma Tầu nhiều lắm!
Đám ma ta và đám ma Tầu thường mời phường bát âm trình tấu nhạc tò te và đánh trống bùng bùng. Tiếng kèn Tầu nghe thê thảm não nề như đang đưa người nằm xuống về bên kia thế giới buồn hiu.
Có đám ma nào lớn thì rườm rà hơn.
Đi đầu là ban nhạc với kèn trống tân thời. Sau đó một khúc dài mới đến đội kèn bát âm cử hành, có khi cùng lúc với kèn trống tây, có khi cách quãng. Rồi đến đoàn tăng ni, phật từ đi dưới lọng che, dưới tấm băng vải dài thoòng cho đỡ mưa nắng. Rồi đến thân bằng quyến thuộc tà tà đi sau, mặt mũi coi bộ u sầu, ảm đạm nhưng trò chuyện xì xầm thì không ai hay biết. Đám lớn như thế rất được nhiều người đứng coi và nể mặt tang gia.
Còn đám ma Tây, trang bị chỉ có một cây kèn đồng sáng choang, thổi lên nghe oai lắm!
Xe tang của ta và Tầu thường chụp lên quan tài cái nhà bằng đồ mã đủ mầu, gọi là “nhà táng”, hạ huyệt xong là đốt mã. Trẻ con xô nhau giựt mấy đồ trang trí gồm hình nhân, thuyền bè, nhà cửa, vật dụng linh tinh, mầu sắc óng ánh rất ngoạn mục…
Xe tang của Tây nom oai vệ hơn nhiều, có phủ cờ tam tài, có ngựa kéo, hai bên có lính hộ tống bồng sung nghiêm trang. Không có kèn trống phụ họa khi đưa tiễn.
Đám người đi sau xe tang mặc đồ đen, im lặng. Đến huyệt, một ông Tây trịnh trọng đọc mấy lời bằng tiếng Phú Lang Sa như an ủi người chết và chia buồn cùng người sống. Rồi kèn đồng thổi vang lên trong khu nghĩa trang tịch mịch. Lính bồng sung chào người ra đi. Kèn đồng vang lên một khúc tạ từ. Không có ai khóc nỉ non hay kêu gào thảm thiết như đám ma ta hoặc đám ma Tầu! Chỉ nghe đôi tiếng nghẹn ngào sủi sụt của những người thân.
Khi xong đám tang thì trời sẩm tối. Trên đường về, tôi sực nhớ ra là mình đang phạm một cái tội tầy đình là trốn học đi chơi. Và thêm một tội nữa là về nhà trễ giờ ăn cơm.
Thực ra, tôi đâu có đi chơi! Tôi đi đưa đám ma Tây đấy chứ!
Giá bố tôi mà biết có đám ma Tây, chắc ông cũng đi coi không chừng. vì nó lạ, nó vui lắm cơ!
Nhưng ông cụ ở nhà, đâu có thông cảm dẽ dàng với kẻ ra đi.
Nên tôi lại một phen lãnh búa rìu dư luận.
Về đến nhà, nháo nhác trơng không thấy bố đâu, tôi mừng còn hơn bắt được vàng, chui tọt xuớng dưới bếp gặp mẹ. Mẹ tôi sửa soạn cơm nước, thấy con về thì thấp giọng:
- Mày lại đi chơi hả? Bố mày vừa qua cậu Hai Tuyển sắp về. Rồi lại chết đòn, con ạ!
Dưới ánh lửa bếp hồng, mắt mẹ tôi như có giọt lệ long lanh…
Theo bổn cũ soạn lại, tôi chuẳn bị đúng lễ nghi quân cách, đem chiếc chiếu rách trải ra sân, nằm dài chịu trận.
Lần này tôi có thêm sang kiến. lót chiếc khăn bông vào mông để khi ăn đòn cũng đỡ đau mông. Mấy lần trước bị rần, vội quá tôi lót tập vở, vừa cồng kềnh vừa lộ liễu nên khi chịu đòn, nó kêu bồm bộp, bị lộ tẩy liền…
Ông bố tôi trở về, thấy thằng con nghiêm chỉnh thi hành giáo lệnh và lễ nghi quân cách, sẵn sàng chịu tội , nghĩ cũng nên thương.
Ông cụ làm bộ dọa dẫm qua loa, lại trích vài câu Gia Huấn Ca của đại nho gia Nguyễn Trãi, xong tha cho làm phước. Tôi mừng thầm trong bụng nhưng ngoài mặt tỏ vẻ đầy nỗi ăn năn hối hận, cuốn chiếc chiếu rách cất đi, xuống bếp moi chiếc khăn bông dưới mông ra, lên nhà ăn cơm nước xong thì trời vừa tối.
Tối đó, tôi ngồi dưới ánh đèn Hoa Kỳ học bài khá lâu, chăm chỉ rất mực, rõ ra học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau.
Thế rồi ngựa lại quen đường cũ, như nước đổ lên đầu con vịt, tôi vẫn lén nhà ra sân banh Hải Dương đá bóng.
Sân banh gần ngay sau nhà tôi, cạnh quốc lộ số 5 nối Hà Nội-Hải Phòng. Trưa hè nắng chang chang, tôi tụ tập lũ con nít, chia làm hai đội tranh tài. Tôi có bóng da, làm thủ quân nên quyền hành le lói lắm. Lựa đứa nào đá ngon, bồ bịch tôi cho nó vào sân. Đứa nào dở hay tôi không ưa, đợi sau “gôn” chờ tôi gọi vào thay thế.
Trận banh nào cũng hấp dẫn. Thời giờ qua tựa tên bay. Tôi mải mê nhồi banh quên cả lối về. Bố tôi thường lên sân thượng, chả cần có ống nhòm, nhìn ra sân banh thấy đúng quý tử đang lăng xăng ở đó thì lẳng lặng đi gọi tôi về, cho mấy cái bợp tai vì đi chơi không có phép. Tôi biết có xin phép thì bố tôi cũng có cho đâu!
Đá banh trưa hè hao người lắm, có phen ho lao nữa.
Hồi xưa, bố tôi cũng là một cầu thủ nổi tiếng của đội banh thanh niên thị xã cơ mà! Nghe bác tôi kể, bố tôi đi “a văng xăng” chạy nhanh, lừa banh lẹ, đá rất chắc, một cây làm bàn đấy! Bố tôi biết đá banh là phải giữ gìn sức khỏe, điểu độ mới được. mà tôi thì cứ ào ào, nhịn ăn phơi nắng thì trách chi chẳng ăn đòn.
“Cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư”. Sách đã nói là không sai vào đâu được. Câu này có ý nói bóng nói gió, móc lò mình đấy, nhưng sân banh và trái bong như có cái ma lực khiến tôi như cục sắt cạnh nam châm, không thể nào tách rời ra được.
Tôi cũng chịu đòn quen rồi, đâm ra bớt sợ. Vả lại, so với mấy trận banh thư hung hấp dẫn thì mấy cái bợp tai, vài roi đét đít thì nào có sá gì…
Một bữa tôi không cho thằng Long Còm vào sân để trả thù lần trước không cho nó chơi nên nó lại nhà mách bố tôi khiến tôi bị ăn đòn.
Lần này, gần mãn cuộc tôi mới cho nó vào sân.
Rình lúc thuận chân, tôi đưa một đường banh trúng ngay đầu Long Còm khiến nó té bổ nhào. Nó khóc ỏm tỏi ra khỏi sân, ngồi chửi đổng. Chửi thì chửi, tôi sợ cóc gì. Chơi được nó một cú như thế là tôi mãn nguyện rồi.
Xong trận đấu, phe tôi ca khúc khải hoàn, hẹn hôm sau tái đấu.
Khi ôm banh về gần đến nhà, tôi thấy một đám trẻ con bu đông trước cửa. Thằng Long Còm đang gân cổ chửi bố tôi:
- Mẹ cha thằng Th….nhá! Có con không dạy để vậy mà nuôi! Để nó đá ông sưng đầu lên đây này…này…
Rồi nó khóc tu tu, xong lại nhai nhải chửi bố tôi khiến đôi bên hàng xóm đều nghe rõ mồn một.
Ông bố tôi đang làm một giấc la-xiết, nghe ồn ào trưóc nhà, lại có đứa đang lôi ông ra chửi thì biết ngay là có sự chẳng lành, ngỏm dậy xem sao.
Khi rõ chính tôi gây sự để cho bạn đến trước cửa nhà lôi tên mình ra chửi, ông cụ mới phủ dụ nó rằng:
- Bác biết rồi. Thôi cháu về đi, để bác đánh nó!
Thằng Long Còm thấy bố tôi nhận lỗi không biết dạy con thì không còn lý do gì để chửi nữa nên nó lẳng lặng rút lui.
Đám trẻ con bu quanh cũng tan hàng.
Thế là tai họa lại trút xuống đầu tôi.
Tôi đâm ra ân hận, chỉ vì nóng giận tầm bậy để cho thằng Long Còm đến nhà chửi toáng lên khiến lũ trẻ trong phố đều biết tên bố tôi.
Bây giờ chuyện bể tùm lum, hậu quả khôn lường. Giá mà tôi đá hụt không trúng đầu nó thì đâu đến nỗi oan gia như thế này?
Đúng là năm cùng tháng hạn nên tôi mới lận đận đau thương như thé này đây!
Biết thân phận, tôi lại ôm chiếc chiếu rách ra sân trải, nằm xấp chịu tội. Lại ăn vài roi nữa đây! Sao mà tôi khổ thế!
Bố tôi giận dữ như điên. Ông cụ xuống bếp lựa một thanh củi vừa tầm tay, cũng to bằng cánh tay tôi. Ông cụ lại kiếm mấy khúc giây thừng.
Ông cụ trói hai tay tôi,cột vào gốc cây na, buộc hai cẳng tôi vào gốc cây mít như căng một tội đồ!
Ông cụ không trích dẫn Gia Huấn Ca mà nặng lời với tôi thậm tệ.
Nào là tôi là đứa con cứng đầu cứng cổ, học dốt như con chó. (con chó có đi học bao giờ đâu cưa chứ!), đi nói dối cha về nhà nói dối bố, trốn học đi lêu lổng. Nào là tôi không vâng lời cha mẹ, không nhường nhịn chị em, không bao giờ sờ đến sách vở…Lại còn làm nhục gia phong, đi trêu chọc người ta để nó đến tận nhà bêu xấu, lôi tên bố ra chửi cho cả hàng phố đều nghe. Trẻ con hồi đó rất kỵ chuyện tiết lộ tên bố cho bàn dân thiên hạ biết kẻo có chuyện gì, nó gọi tên bố ra chửi thì nhục lắm.
Con cái như tôi thà không còn hơn có, có chỉ làm nhục gia đình…
Tôi không ngờ cái tên mà lại có ảnh hưởng lớn lao, sâu rộng đến như vậy!
Trưóc khi ra đòn, bố tôi còn làm một cuộc kiểm soát, kiểm kê tài sản.
Ông lục soát mông tôi, lôi tuột cái khăn bông lót đít. Xong ông cầm thanh củi phạng tôi chí chạp.
Tôi quằn quại vừa la vừa lạy chối chết. Đang giận con, lại thấy con la oai oái, bố tôi điên tiết:
- À, mày lại còn già mồm nữa hả! Rồi đánh tiếp.
Trong cơn mê, tôi còn đủ thông minh để thoát hiểm, nghiến răng không khóc nữa. Bố tôi lại quát:
- À, mày gan lì cóc tiá phải không?
Rồi bố tôi thuận tay nện tiếp. Tôi vẫn còn đủ thông minh từ bé, nếu không thoát hiểm thì khó bề an toàn tính mạng nên dùng đến chiêu thức thần sầu là giả đò trợn mắt, sùi bọt mép, nước mắt nước mũi tùm lum coi bộ rất nản, như sắp chết đến nơi vì bị đòn quá nặng.
Quả nhiên, ông cụ chùn tay, buông thanh củi, mệt mỏi thở dài lên nhà trên.
Lúc bí giờ phái đoàn ủy lạo mới được phép tiếp ứng. Mẹ tôi, chị em tôi xô ra sân ôm lấy tôi, người thì cởi trói tay chân, người thì lau mặt, dìu tôi xuống nhà dưới, đặt nằm trên giường nệm, kẻ quạt người rót nước cho uống.
Mẹ tôi chạy ra đầu đường, đón bà hàng giò chả đội thúng đi qua, mua hầm bà làng nào bánh dầy, bánh giò, chả mỡ, chả quế với nửa cây giò bì còn nóng hổi…
Tôi ngửi thấy hương vị giò chả, nhỏm dậy, tỉnh như con sáo sậu, ăn như tằm ăn rỗi…Lại chia phần rất đình huỳnh cho cả chị cả em. Nhờ tôi mà họ được ăn ké đấy chứ!
Sau chầu đớp hít no nê, mọi người thu dọn xong rồi giải tán trong vòng trật tự.
Còn tôi, không thoát khỏi thông lệ là mỗi lần ăn đòn xong đều lăn quay ra ngủ.
Nhưng vừa bị một trận đòn mê tơi, vết hằn còn dính trên mông con ngựa hoang nên đau tê tái, tỉnh tỉnh mơ mơ trong giấc ngủ chập chờn…
Hình như có lúc tôi thấy bố tôi tạt vào buồng, sờ trán tôi thở dài rồi lặng lẽ ra đi.
Còn mẹ tôi, ngồi cạnh bên giường nắm bàn tay nhỏ bé của tôi, thở dài không nói…
Những cú đòn hằn như thế, cho đến bây giờ tôi vẵn còn nhớ thật rõ, thật mềm.
Sau này lớn khôn hơn, tôi tự hỏi sao bố tôi mất công dậy dỗ chí tình như thế mà tôi chẳng nên người đề đáp lại tấc long phụ tử tình thâm?
Từ khi tao loạn chia ly, lang bạt trên vạn nẻo đường đời , tôi mới hiểu được thế nào là tiếng thở dài của bố, ngấn lệ của mẹ, tiếng khóc sụt sùi của chị của em…
Tôi bỗng thèm có được những ngày như ngày bé, được gia đình đùm bọc, được dậy bảo tinh tươm, được như con chim nhỏ sống hồn nhiên bên tổ ấm.
Nhưng làm sao níu kéo được thời gian để lui về dĩ vãng?
Trường đời đã dạy cho tôi nhiều bài học để đời. Không âu yếm bầu bạn như chị em rủ rỉ khuyên nhau, như mẹ hiền mach bảo. Không nghiêm khắc nhưng thiết tha như bố uồn nắn.
Mà nó lại chua xót , đắng cay, tủi nhục trăm chiều.
Người ta không đánh tôi bằng roi mây, thanh củi, nhưng bằng khóc hận cười đau. Thế mà lúc nào tôi cũng như con nai vàng ngơ ngác, có khi đạp trên lá vàng khô, có bận húc đầu vào bụi rậm, có phen xuýt đạp phải mìn trên hầm hố chông gai cạm bẫy đợi chờ…
Dẫu rằng đường đời khúc khuỷu quanh co, ít hoa thơm cỏ lạ, tôi vẫn rất mực ngây thơ dáng huyền, dễ tin, dễ yêu, dễ bỏ qua mọi chuyện.
Để sống một cuộc đời êm ả, bình yên.
Nên tôi muốn được chia sẻ chút tâm tình với những ai cùng chung cảnh ngộ.
Và như một lời tạ tội muộn màng gửi về gia đình yêu dấu xa xăm…
Tin giờ chót: Bố tôi năm nay 99 tuổi, vẫn khoẻ mạnh, bình an.
Khi tôi gọi điện thoại về nhà hỏi thăm bố, có nhắc đến những trận đòn.
Tôi hỏi bố:
- Bố còn nhớ hồi nhỏ con bị bố trói gốc na, đánh một trận gần chết không?
Bố tôi cười đáp:
- Mày bị đòn nhiều qua, bố đâu có nhớ!
Còn mấy đứa em tôi thì nói:
- Bố phạng anh “nặng tay” lắm, tụi em chả có đứa nào quên đâu! Mà sao hồi nhỏ anh thông minh đến thế! Biết giả vờ ngất xỉu để tự cứu mình thì chúng em phục sát đất đó nha!
Chính ngay như tôi, tôi cũng phải phục tôi là đứa bé “thông minh từ nhỏ”, mưu luợc có thừa!
Nhưng càng lớn lên, càng về già thì sự thông minh của tôi hình như cũng khô cạn, co rúm lại chứ không còn tinh tế, thần sầu như trước nữa…
Lê văn Phúc
Virginia,11-2009
|
|